Được chỉnh sửa ngày 15/02/2023.
Chào mừng các bạn đã đến với bài học Android thứ 2, bài học về cài đặt môi trường lập trình Android. Đây là bài học trong chuỗi bài viết về lập trình ứng dụng Android của Yellow Code Books.
Hôm trước bạn đã biết được các lợi ích khi quyết định dấn thân vào con đường lập trình Android rồi đúng không nào. Bài học hôm nay mình sẽ chính thức cùng các bạn xây dựng một môi trường lý tưởng để cùng nhau lập trình và chia sẽ các kiến thức về xây dựng một ứng dụng Android này. Nên nhớ là nếu bạn vẫn chưa từng lập trình bao giờ, thì nên xem qua loạt bài về cách thức lập trình với ngôn ngữ Java ở link này các bạn nhé.
Chúng ta bắt đầu bắt tay vào xây dựng một môi trường lập trình Android qua các bước sau đây.
Cài Đặt JDK
Như mình đã nói ở bài trước, JDK chính là chữ viết tắt của Java Development Kit – Bộ Công Cụ Phát Triển Cho Java. Nó cũng là một công cụ trong Bộ Công Cụ Phát Triển Cho Android. Vì JDK giúp chúng ta có thể biên dịch sang mã Java, rồi từ Java sẽ biên dịch tiếp thành các mã máy, và thực thi chúng trên nền máy ảo JVM. Và nếu bạn nào đang lập trình Android với Kotlin chứ không phải Java, thì bạn vẫn phải download và cài đặt bộ công cụ này trước tiên.
Để cài đặt JDK bạn hãy vào trang của Oracle để download file cài đặt theo đường link này (hoặc bạn có thể search Google với từ khóa “JDK Download”). Khi mở link bạn sẽ được dẫn đến trang download JDK của Oracle như sau.

Chú ý
Có thể giao diện và chức năng ở trang download JDK của Oracle có sự khác nhau giữa máy tính của bạn và screenshot của mình do Oracle luôn nâng cấp và chỉnh sửa giao diện của họ. Đồng thời phiên bản JDK cũng có thể khác với hướng dẫn ở thời điểm này của mình do thư viện này cũng được nâng cấp thường xuyên.
Nếu có bất cứ khó khăn nào khiến bạn không thể hoàn thành việc download và cài đặt JDK thì hãy để lại lời nhắn cho mình ở cuối bài viết hoặc chat với Facebook fan page nhé.
Bạn hãy lựa chọn version của JDK (thường thì bạn cứ chọn version mới nhất) và gói cài đặt phù hợp với hệ điều hành của máy tính bạn đang dùng (với macOS hay Windows mình khuyên bạn nên download gói Installer). Như với máy mình thì mình sẽ chọn như sau.

Sau khi download JDK về thì bạn tiến hành cài đặt như bình thường nhé, khi cài đặt xong bạn có thể qua bước tiếp theo.
Cài Đặt Android Studio
Nếu bạn nào để ý chút, là sau khi cài đặt JDK, hiển nhiên chúng ta cũng cần phải cài Android SDK, như bài trước cũng có nhắc đến, nó chính xác là một Bộ Công Cụ Phát Triển Cho Android. Nhưng thực ra bạn hãy yên tâm, với bước này, ngay sau khi cài đặt Android Studio thành công, công cụ này cũng sẽ giúp chúng ta cài đặt và quản lý Android SDK một cách tự động. Android Studio quả là tuyệt vời mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm các chức năng khác của nó ở các bài học tiếp theo nữa.
Nhiệm vụ bây giờ của chúng ta là vào link này để download Android Studio. Phiên bản Android Studio ở thời điểm mà bài viết này được chỉnh sửa có tên Electric Eel.

Chú ý
Cũng như JDK. Có thể giao diện, chức năng và phiên bản Android Studio ở trang download có sự khác nhau giữa máy tính của bạn và screenshot của mình do Goole cũng thường xuyên nâng cấp và chỉnh sửa giao diện của trang Web cũng như của ứng dụng Android Studio này.
Nếu có bất cứ khó khăn nào khiến bạn không thể hoàn thành việc download và cài đặt Android Studio thì hãy để lại lời nhắn cho mình ở cuối bài viết hoặc chat với Facebook fan page nhé
Khi vào đến trang download trên, hãy tìm nút Download và tiến hành cài đặt Android Studio về máy nhé.
Chú ý
Bạn cũng nên để ý đến cấu hình máy tính tối thiểu để có thể cài đặt và sử dụng Android Studio, mình xin liệt kê lại cho bạn nắm như sau.
- Nếu là Windows thì phải là các phiên bản 8/10/11 64-bit (hoặc các phiên bản mới hơn sau này).
- Nếu là macOS thì phải từ phiên bản 10.14 trở lên, chip Intel hay Apple đều được.
- Nếu là Chrome OS thì thiết bị phải chạy với chip Intel i5 trở lên.
- Nếu là các hệ thống Linux khác thì phải từ phiên bản 2.31 trở lên của thư viện GNU C (glibc).
- Máy phải trang bị tối thiểu 8GB RAM.
- Đĩa cứng phải còn trống khoảng 8GB.
- Độ phân giải màn hình không quá bắt buộc nhưng tốt nhất cũng nên tối thiểu 1280 x 800.
Sau khi cài xong bạn mở ứng dụng Android Studio lên.
Lần đầu tiên mở Android Studio, có thể bạn sẽ được hỏi như hình bên dưới với 2 tùy chọn.
- Tùy chọn 1: “I want to import…”. Nếu bạn đã từng cài Android Studio trước đó rồi, thì tùy chọn này sẽ mặc định được chọn, vì bạn sẽ có cơ hội dùng lại tất cả các cài đặt của bản trước.
- Tùy chọn 2: “I do not have…”. Có nghĩa là đây là lần đầu máy tính của bạn cài đặt Android Studio. Nó sẽ chọn sẵn tùy chọn này cho bạn.
Bạn cứ chọn lựa, nhưng chúng cũng không quan trọng lắm. Dù tùy chọn nào được chọn, bạn cũng có thể nhấn OK để đi tiếp.

Bây giờ bạn đến màn hình Welcome, hãy nhấn Next.

Tiếp theo bạn sẽ phải chọn loại gói cài đặt nào, chúng ta cứ để như mặc định gói Standard. Sau đó bạn lại nhấn Next.

Bước kế tiếp là bước chọn Theme. Với dân lập trình, thường thì mình thấy họ rất thích Theme Dracula. Hay còn gọi là dark mode. Với Theme này thì mọi thứ sẽ tối thui ngoại trừ code của bạn phát sáng lên để bạn dễ dàng tập trung vào code hơn, đồng thời cũng giảm tình trạng mỏi mắt khi code lâu nữa đấy. Và từ giờ trở đi mình cũng sẽ dùng theme Dracula này.

Đến màn hình cuối cùng, hãy nhấn Finish để bắt đầu cài đặt.

Có thể mất từ 5 đến 10 phút tùy cấu hình máy cho việc cài đặt. Sau khi tiến trình cài đặt hoàn tất, bạn sẽ đến màn hình sau.

Đến bước này thì mình xin chúc mừng bạn, bạn đã tạo được cho mình một môi trường để lập trình Android rồi đó. Bạn có thấy dễ không nào. Nếu bạn nào còn vướng mắc gì đó thì nhớ để lại bình luận bên dưới để mình có thể hỗ trợ nhé.
Kết Luận
Tuy bài viết khá ngắn nhưng mình biết thực sự thời gian để các bạn download và cài đặt các công cụ cần thiết cho lập trình Android cũng khá nhiều. Ngoài ra một số bạn còn cần phải thiết lập một số thông số khác cho hệ thống thì mới có thể tiến hành xây dựng một ứng dụng đầu tiên được. Hoặc bạn cần cấu hình cho việc sử dụng các dòng lệnh command line. Nếu bạn có các vấn đề gì trong quá trình cài đặt hãy liên hệ với mình nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc các bài viết của Yellow Code Books. Bạn hãy ủng hộ blog bằng cách:
– Đánh giá 5 sao ở mỗi bài viết nếu thấy thích.
– Comment bên dưới mỗi bài viết nếu có thắc mắc.
– Để lại địa chỉ email của bạn ở thanh bên phải để nhận được thông báo sớm nhất khi có bài viết mới.
– Chia sẻ các bài viết của Yellow Code Books đến nhiều người khác.
– Ủng hộ blog theo hướng dẫn ở thanh bên phải để blog ngày càng phát triển hơn.
Bài Kế Tiếp
Bạn sẽ được hướng dẫn tạo một ứng dụng đầu tiên của mình, và cùng dạo qua các thành phần cơ bản của Android Studio, giúp bạn thân thiện hơn cho các bước lập trình tiếp theo.